Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu ở Việt Nam

Chia sẻ bên lề hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều – cung ít, vì sao”, Giám đốc Ban Nghiên cứu & Phát triển Capital House Trịnh Tùng Bách, quan ngại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải chịu hậu quả nặng nề nhất thế giới từ biến đổi khí hậu.

Theo ông Trịnh Tùng Bách, công trình xanh không còn là khái niệm mới trên thế giới nữa khi mà đã từ lâu, rất nhiều nước đã có hệ thống đánh giá công trình xanh riêng và phù hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức.
 
Những giá trị to lớn mà công trình xanh mang lại cho người sử dụng, chủ đầu tư đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia nói riêng và sự tồn tại bền vững của toàn cầu nói chung vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và đúng đắn tại Việt Nam. 
 
Phát triển công trình xanh
 
Ông Bách cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải chịu hậu quả nặng nề nhất thế giới từ biến đổi khí hậu. Trong đó, lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm cạn kiệt nguồn năng lượng và tài nguyên nhanh chóng, thải ra một lượng lớn khí nhà kính và gây ra rất nhiều các tác động tiêu cực khác đến môi trường sống của con người.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu & Phát triển Capital House (Ảnh: Đàm Duy)

Chính vì vậy, theo ông Bách, công trình xanh phát triển sẽ giúp hạn chế và khắc phục hiệu quả toàn bộ những tác động tiêu cực do lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng. Trong đó, đặc biệt là với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình phân khúc chiếm đa phần thị trường.
 
Đồng thời, công trình xanh còn giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi lớn hơn nhiều so với công trình thường về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội và bảo vệ môi trường sống cho toàn nhân loại”
 
Phát triển công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là một xu thế tất yếu cho Việt Nam nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững của quốc gia.
 
“Công trình xanh không chỉ đơn giản là nhiều cây xanh và vô cùng đắt đỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là cách hiểu khá sai lệch khái niệm công trình xanh. Đây là một rào cản không nhỏ cho việc Xanh hoá các công trình tại Việt Nam” ông Bách khẳng định thêm.
 
Công trình xanh của Việt Nam đang đứng ở đâu?
 
Khảo sát của IFC mới đây chỉ ra rằng do lợi ích bền vững của các công trình xanh cũng như nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng, thị trường công trình xanh toàn cầu dự báo tăng trưởng ở mức 13% trong giai đoạn 2015-2020.
 
Trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2012 – 2015, số lượng công trình xanh của các công ty xây dựng dự đoán tăng hơn 60%
 

Toàn cảnh hội thảo
Đại diện Capital House thừa nhận, Công trình xanh là công trình đạt hiệu quả cao nhất về sử dụng năng lượng, cũng như hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Bên cạnh đó, công trình xanh còn mang đến cho người dân cuộc sống thoải mái nhất, môi trường sống tốt nhất, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống hiện đại.
 
Tại Việt Nam, Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam đưa số liệu: Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.
 
“Vì vậy, xu thế phát triển công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là một nhu cầu bức thiết tại Việt Nam hiện nay”, ông Bách khẳng định.
 
Tuy nhiên theo vị này “Đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn, vì vậy trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình rất hiếm chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này, mặc dù đây là phân khúc tiêu tốn nhiều năng lượng nhất và ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất. Trong đó, phân khúc nhà giá thấp và trung bình mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân lại hạn chế hơn so với các phân khúc trên”
 
“Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển…
 
Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường” ông Bách kiến nghị

Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *