Hội nghị thường niên Liên minh không rác Việt Nam & Lễ hội Trường học không rác 2021

Tâm huyết, sôi nổi, vì một mục tiêu phát triển bền vững là những ấn tượng đọng lại sau sự kiện “Hội nghị thường niên Liên minh không rác Việt Nam & Lễ hội trường học không rác 2021” được tổ chức tại Trường Mầm non & Tiểu học Genesis hai ngày 18-19/12 vừa qua.

Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm báo cáo về các hoạt động nổi bật, chia sẻ câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm trong năm 2021; xây dựng chiến lược hoạt động giai đoạn 2022 – 2025 của Liên minh Không rác Việt Nam, đồng thời triển lãm Trường học không rác, ra mắt Liên minh Trường học Không rác và hơn thế nữa (ZHub – Zero waste school and more) và chia sẻ, thảo luận về tiêu chí Trường học không rác thải. 

Với sự tham gia đông đảo của các tổ chức khoa học – xã hội, tổ chức phi chính phủ, cơ quan sở, ban, ngành liên quan, trường học và doanh nghiệp, chuỗi sự kiện đã giúp lan tỏa lối sống tích cực về không rác thải, giúp cải thiện nhận thức của cộng đồng về sống Xanh, hướng tới sống bền vững, giảm tác động môi trường. 

Phát biểu mở màn chuỗi sự kiện, bà Trần Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), đồng thời là thành viên Đồng sáng lập Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA)  chia sẻ: “Cách đây 4 năm khi cuộc họp đầu tiên của Liên minh diễn ra, khái niệm “Không rác” còn quá mới ở Việt Nam, hầu hết các tổ chức và cá nhân tham gia Liên minh thời điểm đó đều đặt câu hỏi Làm sao có thể “KHÔNG RÁC”? Và trong suốt bốn năm qua các thành viên của Liên minh đã miệt mài vừa học hỏi, chia sẻ thông điệp về “KHÔNG RÁC” – là mục tiêu giảm nhiều nhất có thể rác phải chuyển ra bãi chôn lấp, bị đốt bỏ hoặc rò rỉ ra môi trường. Bên cạnh đó, Liên minh tiên phong trong thu thập số liệu rác thải thông qua phương pháp đánh giá và kiểm toán nhãn hàng, trên cơ sở đó hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hành không rác ở nhiều vùng miền trên cả nước”

Chia sẻ liên quan tới hành trình vận động chính sách, Bà Quách Thị Xuân – Điều phối viên VZWA cho rằng chính sách là một công cụ hết sức quan trọng để nhân rộng các mô hình thí điểm, nếu không có chính sách của các cấp chính quyền thì các mô hình thí điểm chỉ là hoạt những động tự phát, không được triển khai trên diện rộng với sự đảm bảo, hỗ trợ và giám sát thực thi của chính quyền các cấp. 

Bên cạnh đó, việc vận động chính sách thường có hiệu quả cao hơn nếu có sự tham gia, đồng thuận của nhiều bên, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, tăng khả năng thành công cho chiến dịch vận động. Với phương châm này, trong quá trình vận động cho các chính sách mà Liên minh quan tâm như quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định giảm nhựa sử dụng một lần hay các quy định liên quan tới kinh tế tuần hoàn trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, VZWA đã luôn kết nối các thành viên và và đối tác trong xây dựng các bản góp ý và thư kiến nghị tập thể. Các bản góp ý và kiến nghị tập thể này đã được ghi nhận và đánh giá cao bởi lãnh đạo Vụ Pháp Chế, Bộ Tài Nguyên và môi trường, Ủy Ban Khoa học Công Nghệ và Môi trường – Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, chuỗi sự kiện cũng nêu bật được những mô hình tiêu biểu Không rác thải tại Việt Nam, đã và đang được các tổ chức khoa học – xã hội, tổ chức phi chính phủ, các sở, ban ngành, cá nhân và cộng đồng chung tay xây dựng và phát triển như mô hình Vận động chính sách cấp tỉnh tại Phú Yên – Cơ sở dữ liệu tại Việt Nam của GreenHub, mô hình thúc đẩy giảm thiểu rác nhựa của MCD, mô hình Reduce – Reuse của Việt Nam Sạch và Xanh…

Chuỗi sự kiện đã thật sự đóng vai trò như cột mốc quan trọng để khởi đầu hành trình lan tỏa Giáo dục Xanh của Mạng lưới Trường học Không rác và hơn thế nữa (ZHub), với sự góp mặt, giao lưu và tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các tổ chức thành viên và đối tác, để chia sẻ thông tin, thành tựu, bài học, đồng thời thảo luận chiến lược phát triển ZHub. 

Không chỉ vậy, nhằm mang tới những minh chứng thực tế, lan toả và thu hút các trường học tham gia vào phong trào trường học không rác và đưa giáo dục phát triển bền vững vào lớp học, “Tour triển lãm Trường học không rác” với sự tham gia của Hệ thống Giáo dục Genesis cùng các đơn vị, trường học gồm: Trường Đại học VinUni; Trường liên cấp Iris, Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục (CERA), Trường Đại học Giáo dục; Trường Tiểu học Trung Yên; Hop Farm; Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục; Trạm STEAM sáng chế; 3SR – Công ty Cổ phần Giáo dục Truyền thông và Môi trường đã mang đến những đóng góp các sản phẩm, mô hình, ý tưởng thiết kế về trường học không rác, lối sống không rác… xoay quanh trụ cột 7R (Redesign – Refuse – Reduce – Reuse – Recycle – Rot – Residual management). 

Đại diện Hệ thống Giáo dục Genesis, thầy Phan Anh – Giám đốc Khối Giáo dục cho biết: “Nhà trường luôn mong muốn mang lại cho các con môi trường giáo dục mà ở đó những giá trị bền vững, những giá trị xanh sẽ được nuôi dưỡng phát triển trong cả suy nghĩ, hành động của các em học sinh. Vì vậy, việc tham gia Liên minh không rác là một trong những bước để hiện thức hóa những sứ mệnh của nhà trường. Học sinh sẽ biết được rằng, sống trong môi trường xã hội này, các em không chỉ cần kiến thức mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, trong đó có trách nhiệm với môi trường, các vấn đề rác thải. Từ đó, các em sẽ nhận thức được về việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và có hành động sáng tạo vì cuộc sống Xanh. Các con tham gia các dự án xanh tại trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô, bố mẹ và lan tỏa đến mọi người. 

Mọi người cũng biết rằng, Việt Nam đang là 1 trong 5 nước tạo ra nhiều rác thải nhất đối với đại dương. Chúng ta không thể chờ đến khi hoàn hảo mới bắt đầu mà cần phải bắt đầu ngay để được hoàn hảo. Mỗi thứ một chút để khó khăn giảm đi và Sống Xanh sẽ trở thành thói quen của mọi người. Genesis sẽ là nơi có những sáng kiến Xanh và trở thành hình mẫu về Giáo dục bền vững tại Việt Nam”.