Thạc sĩ tâm lý giáo dục Hồ Thanh Hương cho rằng không thể chỉ giữ chân giáo viên mầm non bằng tiền bạc mà còn cần hoạt động đào tạo, kết nối các cô trong khó khăn.
“Trong thời gian nghỉ việc vì dịch, nhiều giáo viên mầm non trên cả nước cũng làm thêm, có thể bán hàng online hay công việc khác. Việc này không chỉ giúp họ mưu sinh mà còn giảm bớt tâm lý bất an, đồng thời khai thác tiềm năng của bản thân”, thạc sĩ tâm lý giáo dục Hồ Thanh Hương (Hà Nội) chia sẻ.
Trải qua hơn nửa năm trường mầm non đóng cửa, cô hiểu những khó khăn mà giáo viên, phụ huynh, trẻ nhỏ trải qua. Đồng thời, cô Thanh Hương quan niệm cần có những biện pháp để “biến nguy thành cơ”.
Làm thêm để giảm bớt những bất an
Theo cô Hồ Thanh Hương, trong thời gian trẻ không đến trường, cơ sở mầm non tư thục gần như không có thu đầu vào và đứng trước khó khăn tài chính, vấn đề giữ chân giáo viên cùng chuyển đổi số.
Những trường nằm trong hệ thống lớn của tập đoàn, công ty có cơ sở hạ tầng, không phải đi thuê sẽ đỡ hơn về mặt tài chính. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ, nhóm trẻ gia đình phải thuê địa điểm sẽ rất khó khăn để trụ lại trong dịch.
Bên cho thuê có thể không giảm tiền hoặc giảm phần nào. Việc gánh khoản tiền thuê lớn, thậm chí lên đến hàng trăm triệu, khi không có nguồn thu khiến không ít cơ sở phải giải thể, sang tên.
Thực tế, theo thông tin cô Thanh Hương biết, có những nơi, 40% cơ sở mầm non tư thục giải thể, 20% đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Cô Hồ Thanh Hương cho hay thời gian đầu, nhiều hệ thống giáo dục cố gắng chi trả đủ lương. Tuy nhiên, dịch kéo dài, chi phí ngày càng eo hẹp dẫn đến chỉ có thể trả 50% lương cơ bản. Một số nơi có thêm hoạt động khác để tính thêm mức chi cho giáo viên.
Dù nhiều trường cố gắng hỗ trợ, giáo viên, nhân viên vẫn phải làm thêm bên ngoài như bán hàng online, nấu đồ ăn bán cho hàng xóm. Cô Thanh Hương cho rằng đây là tình trạng chung của nhiều giáo viên mầm non tư thục trên cả nước, đặc biệt những người không nhận được lương trong thời gian này.
Song cô cho rằng làm thêm nghề tay trái không chỉ giúp giáo viên mưu sinh trong dịch mà còn giảm bớt tâm lý bất an do dịch bệnh và thất nghiệp mang lại, giữ được thái độ sống lạc quan.
Hỗ trợ phụ huynh khi trẻ chưa đến trường
Trẻ mầm non nghỉ học lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến các trường, cuộc sống giáo viên mà còn tác động không tốt lên trẻ em và phụ huynh.
Theo cô Thanh Hương, tương tự giáo viên mầm non tư thục, phụ huynh cũng đối mặt với vấn đề tài chính khi dịch bệnh kéo dài. Tình hình khó khăn dẫn đến tâm lý bất an, stress. Sinh hoạt gia đình lại bị đảo lộn. Người lớn lo lắng nhiều khi “đường đến trường của trẻ còn xa” dù con đã ở nhà hơn nửa năm nay.
“Nhiều phụ huynh gọi điện hỏi tôi bao giờ con được đi học, năm sau con lên lớp 1 rồi, giờ gia đình phải làm sao. Rồi gia đình còn lục đục vì chồng thoải mái để con nghỉ trong khi vợ mong con được rèn này luyện nọ, muốn cho con đi học thêm nhưng bây giờ, biết học thêm ở đâu”, cô kể.
Về phần trẻ nhỏ, cô Hồ Thanh Hương cho rằng trẻ thích nghi tốt hơn người lớn. Tuy nhiên, các con cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nghỉ học ở nhà, trẻ không thể chạy nhảy bên ngoài hay kết nối với bạn bè cùng tuổi.
Nếu phụ huynh đồng hành, dành thời gian cho con, thiệt thòi này có thể được bù đắp phần nào. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người đang để con buông lỏng hoặc giao phó hết cho ông bà.
Trong khi đó, trẻ lại đang trong giai đoạn vàng để hình thành, phát triển nhân cách. Nếu không được hỗ trợ để học hỏi kiến thức, kỹ năng, các con sẽ bị thui chột.
Ngoài ra, trong thời gian ở nhà, nhiều trẻ tiếp xúc thường xuyên với điện thoại, ảnh hưởng không tốt đến thị lực, trí não. Không những vậy, bình thường, các con đi học cả ngày, tối về, quấn quýt bố mẹ, gia đình vui vẻ hơn. Nhưng nếu ở nhà thường xuyên, phụ huynh stress, không dành nhiều thời gian cho con, mối quan hệ lại thành xa cách.
Hiểu rõ những thiệt thòi của trẻ, trường cô Thanh Hương triển khai dự án tương tác online để hỗ trợ phụ huynh kiến thức, kỹ năng để đồng hành cùng con. Cô quan niệm bố mẹ là thầy, cô giáo đầu tiên của con, đặc biệt trong thời gian con phải xa trường.
“Tôi cho rằng việc này rất cần thiết, giúp phụ huynh hiểu họ cần vào cuộc, không thể trông chờ vào hết dịch vì không biết chờ đến bao giờ”, cô Hồ Thanh Hương nói.
Cô cũng hỗ trợ phụ huynh trong vấn đề tâm lý, giúp họ cân bằng giữa cuộc sống bản thân và con cái ở giai đoạn này.
Giữ chân giáo viên, chờ ngày trẻ đến trường
Dự án giáo dục đó không chỉ hỗ trợ phụ huynh trong việc nuôi dạy con thời dịch mà còn giúp giáo viên có việc làm, thêm thu nhập. Tuy nhiên, cô Thanh Hương cho rằng tiền bạc không phải yếu tố duy nhất để giữ chân giáo viên với nghề.
Vì thế, ngoài việc cố gắng hỗ trợ về mặt tài chính, hệ thống còn đưa ra các hoạt động đào tạo, kết nối giáo viên theo phương châm biến nguy thành cơ.
Với các khóa đào tạo, giáo viên không chỉ có cơ hội nâng cao trình độ, học thêm các kỹ năng mới mà còn được chi trả dựa trên số giờ tham gia.
Cô Thanh Hương nói thêm một số trường học giai đoạn này cũng đứng trước thách thức về chuyển đổi số. Đây là một trong những thứ mà người lao động, đặc biệt giáo viên mầm non, phải thích nghi.
Cô cho biết tại hệ thống giáo dục CGA (Hà Nội), trong các lớp đào tạo, giáo viên cũng được thực hành các kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động tương tác với phụ huynh và trẻ.
Bên cạnh đó, hệ thống đưa ra sân chơi lành mạnh cho giáo viên như các câu lạc bộ kết nối Tâm – Trí – Thể. Ở đó, họ có thể cùng tập yoga, thiền, đọc sách, tự học hay tập luyện thể thao.
“Tôi cho rằng không phải cứ bỏ tiền ra là giữ được giáo viên mà cần tạo cho họ môi trường, cơ hội học tập, kết nối. Đến nay, gần như không giáo viên nào trong hệ thống bỏ nghề. Họ đều sẵn sàng quay trở lại khi trường mở cửa dù đang làm nhiều việc khác nhau”, cô Thanh Hương tâm sự.
Ngoài ra, đứng trước khó khăn chung của ngành, cô cũng mong giáo viên mầm non cố gắng tranh thủ thời gian nâng cao chuyên môn, kỹ năng sống, rèn sức khỏe, cân bằng tâm lý, tư duy tích cực để thích nghi, vượt qua khó khăn, sẵn sàng trở lại làm việc.
(Theo Nguyễn Sương, Zingnews.vn)