Bạn luôn cảm thấy sợ khi có ai đó nói những lời phê bình, chỉ trích dù nó mang tính tích cực hay tiêu cực? Có lẽ bạn chưa biết, chỉ có những người thật sự chân thành và muốn bạn tốt hơn mới nói những lời đó.
Trước những lời chỉ trích, đa số chúng ta đều cảm thấy bị tổn thương. Có người sẽ không thể chấp nhận và bỏ ngoài tai. Có người sẽ dũng cảm đối mặt và nhìn sâu vào vấn đề. Nhưng dù lời chỉ trích đó mang tính tiêu cực hay tích cực thì bạn cũng cần trân trọng những người đã lên tiếng và giúp bạn nhận ra sai lầm của mình.
Sự bất mãn trong cuộc sống sẽ mang tới bước ngoặt thay đổi
Nhà phát minh thiên tài Thomas Edison đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong thời thơ ấu. Không chỉ bị đuổi học vì cho là “thiểu năng trí tuệ”, ông còn khiếm khuyết về thính lực khiến khả năng nghe suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, thay vì uất ức hay chối bỏ sự thật, ông thản nhiên chấp nhận và nghỉ học ở nhà chỉ sau 3 tháng đến trường.
Suốt thời gian sau đó, ông nhận sự giáo dục từ chính mẹ mình. Ông cũng cho rằng: “Trong thế giới ồn ào này, tôi biết ơn vì mình có thể hoàn toàn trấn tĩnh tập trung vào thí nghiệm”. Máy ghi âm và máy trợ thính là một trong vô vàn món quà quý giá mà ông đã đóng góp cho nhân loại. Có thể thấy, không chỉ nhận ra và tận dụng được điểm yếu của mình, thiên tài Edison còn biết ơn vì chúng đã giúp ông đạt được thành tựu vĩ đại trong đời.
Chính vì vậy, những bất mãn trong cuộc sống chính là bước ngoặt, là tiền đề thay đổi số phận của chúng ta. Điều quan trọng là bạn sẽ lái nó phát triển theo hướng nào.
Tìm ra ý nghĩa tích cực từ mỗi lời chỉ trích, mỗi người chịu mắng bạn đều có thể trở thành quý nhân của bạn!
Một thanh niên mới đi làm đã bị cấp trên phê bình rất nhiều lần, hết ngày này qua ngày khác. Anh ta cảm thấy tức giận và có ý định từ chức. Trong lúc bực bội lái xe ra đường, anh suýt đâm vào ô tô của một vị giám đốc. Trong khi giải quyết va chạm, tình cờ thế nào hai người lại ngồi nói chuyện với nhau.
Ông giám đốc sau khi nghe chuyện của anh xong mới cười và nói: “Chuyện như anh tôi đã gặp nhiều rồi. Thậm chí trước đây, ông chủ cũ còn mắng tôi bằng những lời ghê gớm hơn như là ‘Anh chưa tốt nghiệp tiểu học à? Đúng là cái đồ ăn không nên đọi, nói không nên lời’.”
Chàng trai kinh ngạc: “Sao lại có một ông chủ ác mồm như vậy? Sau đó ông làm gì? Có từ chức không?”.
Ông trả lời: “Không hề. Tôi đã đăng ký một khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp ngay trong chiều hôm đó. Sau ba tháng, ngày nào ông chủ cũng phải gọi tôi đi cùng trong mọi mối làm ăn vì tôi nói chuyện quá thuyết phục!”.
Câu chuyện của chàng thanh niên và ông giám đốc đã khiến chúng ta nhận ra rằng: Trong công việc, đừng sợ bị cấp trên phê bình, bạn phải sẵn sàng học hỏi từ những lời phê bình ấy. Những người chê bạn càng thậm tệ lại càng là quý nhân giúp bạn thành công hơn trong tương lai.
“Lời phê bình của người khác có thể làm tổn thương tôi, nhưng nó cũng giúp tôi cải thiện tâm trí và biến những tác phẩm của mình trở nên xuất sắc hơn nữa.” – Tác giả của bộ truyện đình đám Harry Potter, J. K. Rowling đã chia sẻ như vậy. “Nếu tôi từ bỏ sau khi bị 12 nhà xuất bản liên tiếp từ chối, đứa con đẻ Harry Potter của tôi sẽ không có 60 bản dịch trên khắp thế giới, 4 kỷ lục doanh số hàng tỷ đô tuyệt vời như vậy.”
Nếu chỉ nhìn vào những mặt tích cực của lời chỉ trích, ta sẽ thấy được sự tốt bụng và cao thượng của họ, cảm thấy biết ơn trước món quà quý giá dẫn lối tới thành công. Ngược lại, nếu chỉ nhìn nhận sự khắc nghiệt và đáng ghét, bạn sẽ không bao giờ được truyền cảm hứng để làm việc chăm chỉ hơn! Hãy để những lời phê bình, chỉ trích trở thành tiền đề và nền tảng giúp đỡ chúng ta nâng cấp bản thân, làm giàu cho chính mình.
Lần tới, khi ai đó chỉ trích bạn, hãy đối mặt với điều đó bằng sự chân thành và quý trọng: “Cảm ơn vì đã chỉ ra sai lầm của tôi chứ không đứng im nhìn tôi thất bại!”
Cứ tiếp tục phàn nàn đi, thực chất bạn chỉ đang trốn tránh cốt lõi vấn đề một cách hèn nhát!