Tại bản tin trước, chúng ta đã tìm hiểu cách thức kiểm tra cơ thể mình nghiêng về âm hay dương, kiềm hay axit rồi – đồng thời chúng ta cũng đã biết được rằng thức ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng và chuyển biến cơ thể như thế nào thông qua việc thử giấy quỳ vào 03 lần trong ngày. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp về những CHẤT cơ thể cần để trở nên khỏe mạnh – đồng thời là câu trả lời cho tiêu chí số 3 “Thức ăn phải đủ chất” nhé.
Như các bạn đã biết, thức ăn khi vào cơ thể có các tác dụng sau: Một là cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể, hai là cung cấp các chất để xây dựng cơ thể, ba là nước, cụ thể như sau:
Nhóm 1 Thực phẩm cung cấp nhiên liệu cho HOẠT ĐỘNG của cơ thể |
Nhóm 2 Thực phẩm cung cấp nguyên liệu XÂY DỰNG cơ thể |
Nhóm 3 NƯỚC |
Bột và đường – Dầu và Mỡ |
Protein – Vitamin – Chất khoáng |
Mỗi bữa ăn có thể thiếu một vài chất, nhưng trong một ngày, chúng ta nên ăn và uống đủ các thực phẩm có chứa các chất thuộc các nhóm trên – để đảm bảo đủ chất cho cơ thể cân bằng.
Nhóm 1: Thực phẩm cung cấp Nhiên liệu cho hoạt động của cơ thể.
Đó là các hydrat carbon, gồm: tinh bột, đường, dầu, mỡ. Những chất này có thể chuyển hóa, thay thế cho nhau để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ bắp, tim, phổi, giữ thân nhiệt và các quá trình chuyển hóa khác của sự sống.
Bột và đường có thành phần giống nhau, nhưng đường do các enzyme của cơ thể chuyển hóa từ tinh bột, nên phù hợp với sinh lý của cơ thể.
Tinh bột có trong nhiều trong gạo lứt, gạo trắng, khoai lang, khoai tây, mỳ, bột mỳ, bánh mỳ, ngũ cốc… Trong đó, thói quen người Việt của chúng ta là ăn cơm (do gạo trắng nấu thành) trong các bữa ăn chính hàng ngày. Các thực phẩm chứa ngũ cốc khác chỉ là đồ ăn kèm hoặc ăn tạm khi đói. Do đó các bài sau, Bếp Xanh Capital House sẽ phân tích rõ về gạo trắng để mọi người có kiến thức chính xác về điều này.
Đường có rất nhiều loại như: đường tự nhiên, đường tinh luyện, đường nâu, đường dừa, đường hóa học… Đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm như trái cây, rau quả, gạo, ngũ cốc… Đường hóa học là thành phần chính trong kẹo và trong nhiều loại thực phẩm chế biến như nước ngọt và bánh. Như các bạn đã biết, đường tự nhiên sẽ tốt hơn các loại đường còn lại, và nếu cần thiết phải sử dụng đường, bạn nên chọn đường nâu nguyên chất làm từ mía (không qua tinh luyện) sẽ đảm bảo hơn.
Dầu và mỡ có thành phần hóa học cơ bản giống nhau, điểm khác chính nhất là trong mỡ có nhiều cholesterol gây ảnh hưởng tới tim mạch, trái lại dầu thực vật không có cholesterol, một vài loại dầu có chất chống cholesterol. Dầu và mỡ có vai trò hòa tan một số vitamin để cơ thể hấp thu như vitamin A, D, E và K.
Dầu tự nhiên có trong trái cây, ngũ cốc. Ngoài ra, với công nghệ phát triển, chúng ta có rất nhiều các loại dầu ăn công nghệ như: dầu thực vật, dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu, dầu bơ, dầu hướng dương, dầu đậu nành… Mỗi loại đều được quảng cáo ưu việt và tốt cho sức khỏe hơn Mỡ hoặc hơn các loại dầu còn lại, nhưng sự thực thì chưa hẳn như vậy.
Nhóm 2: Thực phẩm cung cấp nguyên liệu XÂY DỰNG cơ thể
Nhóm này bao gồm Protein, Vitamin và Chất khoáng. Chúng có vai trò nuôi dưỡng xương, thịt, da, lông, tóc, móng… tạo thành các enzyme, hormone và các bộ phận của cơ thể trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Chúng sẽ thay thế các tế bào già cỗi, hư hỏng…
Protein có vai trò chủ yếu trong việc cấu tạo, là thành phần chính của các hormone, enzyme, kháng thể. Protein có nhiều trong các thực phẩm: Ngũ cốc (Đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, yến mạch, lạc, hạnh nhân, đậu hà lan…), Rau củ (súp lơ xanh + trắng, măng tây, cải bó xôi, rau đay, rau bí, đậu cove…), Trứng, Thịt (Ức gà, Cá, tôm, thịt bò…), phô mai, sữa…
Vitamin là thành phần để chuyển hóa thức ăn, sinh nhiệt lượng, cấu tạo tế bào mới và tổng hợp các enzyme, hormone, kháng thể. Như chúng ta đã biết, vitamin có nhiều trong các loại hoa quả, rau củ, hạt và một vài loại thịt.
Các chất khoáng là thành phần cần cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, ngoài ra chúng tham gia vào việc cấu tạo xương, cơ, thần kinh, máu và quá trình dẫn truyền các xung đột thần kinh và tiêu hóa. Trong cơ thể chúng ta đang có hơn 60 chất khoáng giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Chất khoáng trong cơ thể được chia thành 02 nhóm: (1) Nhóm cần ít gồm sắt, mangan, i-ốt, florua, đồng, kẽm, cô ban, crôm… (2) Nhóm cần nhiều gồm natri, kali, canxi, photpho, magie, lưu huỳnh… và trong các chất khoáng, quan trọng và cần nhiều nhất là Natri từ muối ăn.
Nhóm 3: NƯỚC
Nước có vai trò quan trọng với sự sống, chiếm trên 70% trọng lượng cơ thể và là thành phần chủ yếu của nội môi trường gồm: dịch thể, máu, bạch huyết…
Mọi phản ứng sinh hóa và các quá trình chuyển biến ở cơ thể đều diễn ra trong môi trường nước. Nếu cơ thể thiếu 10% lượng nước thì chức năng sinh lý sẽ bị rối loạn. Thiếu 15% – 20% nước, cơ thể sẽ chết. Vì vậy, nơi nào không có nước, nơi đó chẳng thể có sự sống.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta cố tình thổi phồng vai trò của nước với cuộc sống hàng ngày. Cái gì cũng vậy, thiếu không tốt, mà thừa cũng không tốt.
Hiện nay trong ẩm thực đang có hai quan điểm trái chiều về lượng nước cần thiết cho cơ thể trong 01 ngày. Theo Phương Tây, chúng ta nên uống 02 lít nước/ngày, nhưng theo Đông y, chúng ta nên uống ít nước, thậm chí càng ít càng tốt. Để nêu và làm rõ các quan điểm này, Bếp Xanh Capital House xin hẹn các bạn tại bản tin kỳ sau nhé.
Bếp Xanh thân chúc các bạn thành công trên con đường Sống Xanh.
Nguồn dữ liệu:
– Sách Dinh dưỡng Xanh – Tác giả Victoria Boutenko, Dịch giả: Đoàn Trang
– Sách Thần dược Xanh – Tác giả Ryu Seung-sun, Dịch giả: Nguyệt Minh
– Sách Ăn ít để khỏe – Tác giả Yoshinori Nagumo, Dịch giả Minh Yến
– Sách Minh triết trong ăn uống của Phương Đông – Tác giả Ngô Đức Vượng
– Sách Cơ thể tự chữa lành – Tác giả Anthony William, Dịch giả Nguyễn Huyền Linh
– Sách Nhân tố EnZyme – Tác giả Hiromi Shinya, Dịch giả Như Nữ
– Sách Sức khỏe trong tay bạn – Tác giả Trần Bích Hà
– Sách Nói chuyện Triết trên bàn ăn – Tác giả Marietta McCarty, Dịch giả Ngọc Tuấn.