Bếp Xanh Capital House: Một số món ăn thức uống dinh dưỡng (phần 1)

Thực dưỡng được coi là con đường toàn diện để chuyển hóa thân thể, tâm trí và tinh thần giúp cải biến thể trạng bệnh tật thành khỏe mạnh, bình an. Được nuôi dưỡng bằng thực phẩm tốt, phù hợp giúp người thực dưỡng kiến tạo một tâm trí và thân thể hoàn thiện hơn, tạo lối sống lành mạnh, từ đó đi đến hạnh phúc, an lạc và trí tuệ.

Bếp Xanh Capital House xin gửi tới các bạn một số công thức nấu món ăn thức uống theo phương pháp thực dưỡng.

(1) Cơm gạo lứt nấu nồi thường: (Dùng nồi gì cũng được, nhưng nồi đất tốt nhất, kế đó là nồi gang). Sàng sảy và lượm sạch lúa thóc, rồi đãi rửa (vút) cho sạch đất, sạn (không nên vo mạnh tay làm tróc cám và mầm gạo). Ngâm gạo với nước sạch độ 2 giờ thì vớt ra. Đổ nước ngâm vào nồi (1 phần gạo, 2 phần nước, nếu thiếu thì thêm nước sạch), đun sôi. Cho gạo vào, để sôi lại, nêm tí muối, dùng đũa bếp (đũa cả) khuấy đều rồi đậy vung. Bớt lửa để sôi riu riu 20- 30 phút cơm cạn nước. Mở vung, lấy miếng vải dày (đã nhúng nước ẩm) hoặc lá chuối trùm kín miệng nồi; đậy vung lại cho khít, dằn viên đá hoặc viên gạch ở trên và kê tấm thiếc dưới nồi (cho cơm khỏi sít). Hạ nhỏ lửa hoặc để lửa than thật dịu 1 giờ đến 1 giờ rưỡi cơm chín. Dùng giấy vụn hoặc rơm đốt cháy bừng dưới nồi vài phút rồi nhắc xuống. Mở vung, dung đũa xới đều cơm rồi đậy lại để yên 5 phút trước khi đơm ra ăn. Cơm thường có lớp cháy vàng dưới đáy, đây là phần Dương nhất vì hấp thụ nhiều hơi lửa, chịu nhiều sức ép và chứa nhiều chất khoáng hơn lớp cơm ở trên.

(2) Cơm gạo lứt nấu nồi áp suất: Gạo đãi rửa và ngâm như ở cách nấu Cơm gạo lứt nấu nồi thường, rồi cho vào nồi áp suất với nước sạch (1 phần gạo, 1 phần rưỡi nước, nếu không ngâm thì 2 phần nước) và tí muối. Đậy nắp kín, đun lửa lớn cho áp suất (hơi ép) nhanh lên đủ (núm đậy lỗ thong hơi trên nắp lúc lắc xì kêu). Lót tấm thiếc dưới nồi, hạ nhỏ lửa để sôi riu riu độ 45 phút cơm chín. Nhắc nồi xuống, để một lúc cho áp suất hạ xuống (có thể tưới nước lạnh lên nồi cho hạ nhanh). Rút núm đậy cho hơi thoát ra hết; mở nắp, dung đũa cả (nhúng qua nước chín nguội cho khỏi dính cơm) xới đảo đều. Đậy nắp lại để yên 5- 10 phút trước khi đơm ra ăn.

(3)Cơm gạo lứt pha hạt cốc khác: Đãi rửa và ngâm riêng 1 phần gạo và 1/4- 1/3 hạt kê (hoặc bắp tấm, bo bo). Sau đó trộn chung các loại hạt cốc, nước ngâm và nấu như món (1) hoặc (2).

(4) Cơm lứt đậu đỏ: 1 phần gạo, 1/8 đậu, 3 phần nước.Đãi và ngâm riêng gạo, đậu độ 2 giờ như ở món (1); vớt ra để riêng. Đổ hai thứ nước ngâm vào nồi (nếu thiếu, thêm nước sạch), đun sôi. Bỏ đậu vào, bớt lửa nấu 20 phút cho mềm. Trút gạo vào, nêm tí muối và nấu tiếp như món (1). Nếu dùng nồi áp suất thì bớt nước như ở món (2). Có thể thay đậu đỏ bằng loại đậu khác tùy nhu cầu sức khỏe.

(5) Gạo lứt rang: Đãi rửa và ngâm gạo độ 2 giờ như ở món (1), rồi vớt ra trải mỏng trên nia để thật ráo nước. Bắc trả đất (hoặc chảo gang) lên bếp, đun nóng mới bỏ gạo vào (mỗi lần rang 1 nắm hoặc 1/2 chén ăn cơm). Dùng đũa khuấy đều tay cho đến khi gạo reo giòn trở vàng và bốc mùi thơm thì đổ ra. Muốn gạo nở xốp hơn, có thể hấp gạo gần chín rồi phơi khô trước khi rang hoặc rang với muối hạt (nhớ sang sảy lại thật kỹ cho sạch muối và hạt cháy).

(6) Bột gạo lứt thực dưỡng: Trộn gạo lứt rang (món 5) với 1/30 mè rang, xay thành bột mịn. Pha 1 phần bột với 4- 5 phần nước sôi, để một lúc cho bột nở rồi ăn với muối hầm (muối biển rang) hoặc tương nguyên chất (tương hạt lỏng, tương đặc miso, nước tương thực dưỡng). Người yếu dạ dày và trẻ con dưới 1 tuổi nên đem bột nấu sôi và dùng đũa khuấy đều tay độ 10 phút cho bột thật nở, dễ tiêu.

(7) Cháo tán (kem gạo đặc biệt): Nấu 1 phần gạo lứt rang (món 5), 1/20 mè rang giã nát (thí dụ: 100 gram gạo trộn 5 gram mè) với 8- 10 phần nước và tí muối độ 3- 4 giờ thành cháo rục nhừ. Tán cháo qua miếng vải thưa căng trên miệng chén hoặc đổ cháo vào túi vải ép lấy bột hồ. Chưng nóng phần bột hồ, ăn với muối hoặc tương. Có thể thay mè rang bằng dầu mè (trộn 1- 2 muỗng cà phê dầu mè vào một chén gạo rang còn nóng). Đây là món ăn bồi dưỡng cho người kém ăn, suy nhược, đau dạ dày hoặc sau khi nhịn ăn vài ngày. (Xác cháo có thể phơi khô, rang vàng như cốm hoặc rang cháy làm trà).

(8) Cháo gạo lứt: Gạo đãi rửa như ở món 1 rồi đem nấu với 5- 6 phần nước và tí muối, để sôi riu riu 3-4 giờ thành cháo rục. Dùng đũa khuấy độ 15 phút cho cháo nhừ. Ăn với muối mè, tương hoặc củ cải muối, dưa món. Người bệnh tiêu hóa yếu nên rang gạo vàng sơ trước khi nấu.

nau-chao-gao-luc

Bếp Xanh Capital House chúc các bạn áp dụng thành công và duy trì được lối sống xanh lành mạnh!