MTE tài trợ dự án Trường học của Tập đoàn Capital House

Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp (MTE) chính thức tài trợ 150.000 Euro cho dự án trường THCS Mễ Trì – HÀ NỘI do Tập đoàn Capital House thực hiện.

Là một trong hai dự án thí điểm được MTE tài trợ, dự án Trường THCS Mễ Trì – Hà Nội do Tập đoàn Capital House làm chủ đầu tư vinh dự được xếp hạng thứ nhất và được Hội đồng đánh giá kỹ thuật đánh giá một cách toàn diện trong chương trình: “Tòa nhà Cacbon thấp và thành phố bền vững” tại Việt Nam. Chương trình do ADEME – Cơ quan chuyển đổi sinh thái Pháp tổ chức điều phối.

Cách trung tâm Hà Nội 2km, Trường THCS Mễ Trì sở hữu 7.176,4m2 diện tích xây dựng trên tổng diện tích 12.114m2 toàn dự án, cùng mật độ cây xanh bao phủ chiếm tới 56%. Trường học bao gồm 4 tầng với 36 lớp học và tổng số học sinh tối đa lên tới 900 học sinh. 

Với mục tiêu xây dựng một ngôi trường thân thiện với môi trường và hướng tới giá trị bền vững, dự án Trường THCS Mễ Trì – Hà Nội được áp dụng các giải pháp kiến trúc thông minh nhằm giảm thiểu lượng CO2 thải ra ngoài (chỉ 1,374 tấn CO2/ năm) và tiết kiệm điện nước (giảm 60% điện/năm và 40% nước/năm). Ngôi trường Xanh “Carbon thấp” với khí hậu trong lành, đảm bảo sức khỏe của các học sinh đang theo học tại trường. 

Phối cảnh dự án trường THCS Mễ Trì do Tập đoàn Capital House thực hiện.

Ông Philippe Masset – Giám đốc Châu âu và Quốc tế cho biết: “Dự án được Ủy ban đánh giá kỹ thuật xem xét trên một số tiêu chí như: sự tuân thủ tốt với bảng đánh giá dự án, sự phù hợp để kết hợp các khuyến nghị của chuyên gia được ADEME tham gia và hỗ trợ, cũng như các tiêu chí bổ sung khác như kinh nghiệm của Tập đoàn Capital House về loại hình dự án này, sự đổi mới của dự án, khả năng nhân rộng dự án và sự tuân thủ các mục tiêu của chương trình này.

Hội đồng kỹ thuật đánh giá chương trình đang xem xét hồ sơ trường THCS Mễ Trì.

Khởi động tháng 5/2021, dự án hợp tác này nằm trong khuôn khổ đối tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp (MTES) và theo thỏa ước hành chính ký năm 2017 giữa hai Bộ về hiệu quả năng lượng và chuyển đổi các-bon thấp đối với các công trình tòa nhà và phát triển đô thị bền vững.

Theo đó, giai đoạn thiết kế và thi công của dự án sẽ được một nhóm làm việc Pháp – Việt Nam (LEU Réunion – Laboratoire Piment – Enerteam) đồng  hành hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện Việt Nam, nhằm đưa các công trình dự án này trở thành các công trình kiểu mẫu về mặt năng lượng cùng như về mặt môi trường.

Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ thành mô hình được nhân rộng trong các ứng dụng hiệu quả trong ngành xây dựng Việt Nam với sự hỗ trợ từ Bộ Xây dựng, các tổ chức quốc tế như GIZ, AFD và ADEME.