Sáng ngày 19/4/2022, Tập đoàn Capital House cùng các lãnh đạo Bộ Xây dựng, các chuyên gia và các doanh nghiệp trong cả nước tham gia tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân” do Bộ Xây dựng và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức tại Hà Nội.
Các “nút thắt” chặn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay là thiếu quỹ đất, thiếu vốn ưu đãi, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế khuyến khích chưa thực chất, đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp…
Ông Trần Công Tưởng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Tập đoàn Capital House), cho rằng cần có thêm các gói tín dụng hỗ trợ giống như gói 30.000 tỉ đồng trước đây để tạo động lực thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khi có hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ một mặt triển khai công tác quy hoạch, thiết kế công trình, công năng đảm bảo quần thể nhà ở xã hội hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Song song với đó, theo ông Tưởng, doanh nghiệp kết hợp cùng ngân hàng thực hiện giải ngân, đánh giá đối tượng được hưởng chính sách, hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục xét duyệt để mua, thuê nhà ở xã hội, nhờ đó quy trình triển khai nhà ở xã hội được rút ngắn, đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và chủ đầu tư.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì đoàn công tác liên ngành làm việc với một số địa phương về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thời gian tới, Hà Nội, Hà Nam sẽ có 3 dự án nhà ở xã hội được khởi công với tổng quy mô hơn 2.000 căn. Từ đầu 2022 đến nay, trên cả nước đã khởi công 7 dự án với tổng số khoảng 23.965 căn, trong đó nhà ở xã hội 5 dự án quy mô 20.765 căn.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian qua, phát triển nhà ở xã hội bị chững lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về nguồn vốn. Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từ 2013 – 2016 đã hoàn thành việc giải ngân gần 100%. Do vậy, giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn ưu đãi không còn.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại về dòng tiền.
Nhiều doanh nghiệp “ngại” phát triển nhà ở xã hội
Cũng tại Toạ đàm, ông Luyện Văn Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội, cho rằng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ ngay khi được ban hành mới đây đã nhanh chóng tạo động lực cho thị trường.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những giải pháp. Bởi trên thực tế, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỉ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu. Hiện, TP.Hà Nội đang phát triển nhà ở xã hội theo hướng làm 5 khu tập trung.
Ông Lễ Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, là chủ đầu tư nhiều nhà ở xã hội tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, bày tỏ thông thường kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc, mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của Nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%. Mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp “ngại” phát triển nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động TP.HCM (HOREA), nhấn mạnh định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.“
Hiện TP.HCM có hơn 10 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản tham gia vào chương trình nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp tự bỏ vốn để tạo lập quỹ đất và đầu tư phát triển dự án. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 – 2020, đạt tỉ lệ 75%, con số này cao hơn tỉ lệ của cả nước, chỉ 41%”, ông Châu chia sẻ.
Giải pháp nào phát triển nhà ở xã hội?
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tháo gỡ 2 vấn đề chính.
Một là, sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật Thuế, luật Kinh doanh bất động sản. Đơn cử như hiện tại, luật Nhà ở cho phép nhà ở để cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh. Nhưng trong luật Thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo sát sao trong việc xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, cơ quan này đã tham mưu cho Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành liên quan đưa ra 8 giải pháp để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, cần cải cách, rút ngắn thủ tục, thời gian làm thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội; rà soát, bổ sung quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng được tập trung đẩy mạnh.
Theo ông Trần Hoàng Quân, tại TP.HCM sẽ rà soát lại các dự án trên địa bàn, đảm bảo được triển khai nghiêm túc. Với 34 dự án tại TP.HCM cùng 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội thì thành phố sẽ có thêm nguồn cung khoảng trên 70.000 căn hộ. Bài toán nguồn cung sẽ sớm được giải quyết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng.
“Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó”, ông Hà nói.